Vụ 13 doanh nghiệp “lao đao” tại Đông Anh, Hà Nội: Công ty 1-5 hợp tác kiểu “đem con bỏ chợ”?

Thời gian qua, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin: 13 doanh nghiệp hoạt động tại Dự án nhà máy ô tô 1-5, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phá sản và hàng nghìn công nhân mất việc bởi Quyết định cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ các công trình xây dựng của lãnh đạo UBND huyện Đông Anh. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây đều vào đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất theo lời kêu gọi đầu tư của Công ty Cổ phần 1-5 (Công ty 1-5).

auhfifhg

13 doanh nghiệp hoạt động tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 đang đứng trước nguy cơ phá sản và hàng nghìn công nhân mất việc.

Theo các doanh nghiệp tại đây, chưa kể việc UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định phá dỡ, không cho tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các công trình được tồn tại là trái quy định của pháp luật. Thậm chí, chính Công ty 1-5 cũng đang “phớt lờ” trách nhiệm trước sự “sống – còn” của các doanh nghiệp, khi không hề có động thái hỗ trợ, phối hợp (?). Như vậy, có khác gì hợp tác kiểu “đem con bỏ chợ”, ép các doanh nghiệp phá sản, trách nhiệm thuộc về ai?

Quá trình thu thập thông tin, PV được biết, ngày 28/03/2001, Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) ban hành quyết định số 831/QĐ-BGTVT đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô khách công suất 5.000 xe/năm tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, chủ đầu tư là Tổng Công ty cơ khi Giao thông vận tải (nay là Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam).

Ngày 15/7/2002, Bộ GTVT đã ban hành quyết định số 2211/QĐ-BGTVT về phê duyệt dây chuyền công nghệ, sơ đồ tổng thể mặt bằng và thiết kế kỹ thuật một số hạng mục Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô khách công suất 5.000xe/năm của Tổng Công ty cơ khí Giao thông vận tải có sự thay đổi phương án bố trí các công trình so với tổng thể mặt bằng đã được Kiến trúc sư thành phố chấp thuận.

Ngày 05/6/2007, Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam ban hành quyết định số 226/KH-ĐT giao nhà máy sản xuất ô tô 1-5 (nay là Công ty cổ phần ô tô 1-5) làm chủ đầu tư thực hiện Dự án, được cấp Giấy phép xây dựng số 50/2009/GPXD-UBND ngày 27/04/2009. Năm 2014 Công ty 1-5 mời 13 doanh nghiệp hợp tác vào khu đất thực hiện Dự án để đầu tư, xây dựng hệ thống máy móc, nhà xưởng, sản xuất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô trên phần diện tích thuộc quyền sử dụng của Công ty 1-5 theo hợp đồng thuê đất số 24-2002/ĐCNĐ-HĐTĐTN ngày 10/4/2002, phụ lục hợp đồng thuê đất ngày 23/12/2002 và sau này được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CK362732 ngày 05/7/2017, được điều chỉnh thời hạn và diện tích thuê đất theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 13/3/2017.

ffogg

Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất theo lời kêu gọi đầu tư của Công ty Cổ phần 1-5.

Theo đó, 13 doanh nghiệp trên đã đầu tư xây dựng 31 nhà xưởng, máy móc và cơ sở vật chất trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 30/3/2016, UBND huyện Đông Anh từng ban hành Quyết định số: 699/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng của các doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5.000 xe/năm. Khi được UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định.”

Tiếp đó, ngày 25/10/2019, UBND huyện Đông Anh lại ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2015, 2016 và Quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ đối với các công trình đã hoàn thành việc xây dựng trước năm 2016 theo Quyết định số 8042/QĐ-CCXP?

Đáng nói, trong khi 13 doanh nghiệp đang “lao đao” đứng trước nguy cơ phá sản, phải đi gõ cửa kêu cứu các cơ quan chức năng thì ngay chính chủ đầu tư thực hiện dự án, Công ty 1-5 lại “dửng dưng” như không liên quan đến các đơn vị đã mời hợp tác(?). Những thiệt hại nặng nề về kinh tế các doanh nghiệp phải gánh, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Phải chăng, Công ty 1-5 hợp tác kiểu “đem con bỏ chợ”? – một doanh nghiệp bức xúc chia sẻ.

Quá trình tìm hiểu và thu thập thông tin vụ việc, PV đã đặt lịch làm việc và nhiều lần liên hệ Công ty 1-5 đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này luôn né tránh.

Vậy, trong vụ việc này, vai trò, trách nhiệm của Công ty 1-5 như thế nào? Quyền lợi, lợi ích hợp pháp của 13 doanh nghiệp, đơn vị nào sẽ đứng ra đảm bảo?

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Vinh Đức

Tin liên quan