Hiện nay, Trung Quốc đang âm thầm tìm biện pháp giảm phụ thuộc vào đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới. Theo đó, Bắc Kinh sẽ quản lý rủi ro bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình sang các loại tiền tệ khác.
Các chuyên gia của ANZ nhận định, mặc dù Trung Quốc vẫn phân bổ một phần lớn ngoại hối của nước này cho đồng USD… nhưng họ cũng đang nhanh chóng chuyển sang những đồng tiền lưu hành khác.
Ông Paul Hsiao, nhà kinh tế toàn cầu của Pinebridge Investment cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc tìm cách thoát ly khỏi sự ảnh hưởng của đồng đô la. Việc các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro từ đồng USD khi các doanh nghiệp nước này có hơn 500 tỷ USD nợ nước ngoài có thể là một vấn đề lớn.
Nợ nước ngoài của Trung Quốc đứng ở mức 1,96 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2018 và có lẽ đã vượt qua ngưỡng quan trọng là 2 nghìn tỷ USD. Nợ ngắn hạn chiếm 62%, điều đó có nghĩa là 1,2 nghìn tỷ USD sẽ đến hạn trả trong năm nay. Bloomberg cũng nhận định về sự đáng lo ngại là tốc độ nợ gia tăng: tổng nợ nước ngoài đã tăng 14% trong năm qua và 35% kể từ đầu năm 2017.
Áp lực trang trải cho vay nước ngoài đang gia tăng áp lực tại các ngân hàng Trung Quốc. Khi bước vào 2020 là năm cao điểm để trả nợ, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực trả nợ các khoản vay bằng đồng USD. Để làm điều này, các công ty Trung Quốc sẽ phải rút tiền từ dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương (một triển vọng Bắc Kinh khó có thể cho phép) hoặc mua USD trên thị trường quốc tế.
Hiện chỉ có 617 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 90 tỉ USD) tiền gửi ở nước ngoài có sẵn để mua USD. Nếu Trung Quốc thúc đẩy các công ty đưa nợ trở lại Đại lục, điều này sẽ khiến dòng vốn chảy ra đáng kể và sẽ khiến CNY mất giá hơn nữa so với đồng USD.
Bên cạnh đó, việc dồn vốn đầu tư cho các dự án “Vành đai và Con đường” khiến Trung Quốc phải vay thêm USD trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, thuế quan bổ sung của chính quyền Trump sẽ làm hạn chế đáng kể cán cân thương mại, gây áp lực lớn cho Trung Quốc trong việc đối phó với các khoản nợ bằng USD cần được xử lý trong vòng 18 tháng tới.
Hiện nay, hành động bảo hộ thương mại từ phía Mỹ đang khiến một số các cường quốc như EU, Nga… trở nên bất mãn và tìm cách hướng đến việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ. Do đó, Trung Quốc ngoài việc giảm đi sự phụ thuộc vào những điều kiện tài chính về đồng USD, động thái này cũng giúp đồng CNY chiếm vai trò lớn hơn trên hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù vậy, để hạn chế sự phụ thuộc đồng đô la không phải là một con đường dễ dàng. Thực tế là tỷ lệ các giao dịch dựa trên đồng nhân dân tệ đã thay đổi rất ít trong 3 năm qua. Các đữ liệu cho thấy, đồng bạc xanh vẫn luôn là loại tiền được lựa chọn trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Ken Cheung Kin-tai, chiến lược gia tiền tệ châu Á tại Mizuho Bank, cho biết, lý do lớn nhất khiến các nhà đầu tư không muốn sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều là do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi đó, chi phí sản xuất tăng còn đồng nhân dân tệ thì mất giá.
Ngoài ra, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn còn khó đoán định, có nghĩa là có thể xảy ra vấn đề khi đưa tiền vào Trung Quốc, nếu Mỹ đột nhiên quyết định tấn công thị trường tài chính của quốc gia này.
Mặt khác, người dân Trung Quốc đang cảm thấy ít tin tưởng rằng đồng nhân dân tệ là một công cụ cất trữ tài sản tin cậy. Đặc biệt, mối quan ngại này đang ngày một gia tăng khi đồng nhân dân tệ đang suy yếu và do đó nhu cầu đối với đồng USD đã tăng lên.
Hiện tại, mức độ thịnh hành của đồng USD vẫn còn rất lớn khi các giao dịch với đồng USD chiếm gần 90% giao dịch ngoại hối và chiếm hai phần ba nợ quốc tế. Thậm chí, nếu không tiến hành giao dịch bằng đồng đô la, các loại tiền tệ khác như đồng Euro, đồng yên Nhật và một số loại tiền tệ khác vẫn chiếm tỷ lệ giao dịch mạnh hơn nhân dân tệ.
Chừng nào Trung Quốc đạt được sự đồng thuận của các nền kinh tế lớn trong việc “hạ bệ” đồng USD, thì khi đó sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh mới có bước suy giảm. Nhưng trong thời điểm hiện tại, điều này là không khả thi.
Cẩm Anh