Xuất phát từ những tồn tại vướng mắc liên quan đến các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế nói chung cũng sự vận hành của thị trường bất động sản và các doanh nghiệp nói riêng, việc sửa đổi Luật đất đai 2013 đã được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, sau khá nhiều ý kiến, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp thì đến thời điểm tháng 5/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và dời sang năm 2021 để Chính phủ và các Bộ ngành có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị.
Trước động thái này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học QGHN cho rằng nó cũng đã tạo ra sự hụt hẫng nhất định cho người dân và doanh nghiệp.
Theo bà Nhung, thực tiễn với hàng loạt vướng mắc nóng đang chờ Luật đất đai sửa đổi điều chỉnh như lợi ích của các doanh nghiệp về đất nhà ở, đất tôn giáo, đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, đất trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng,…đặc biệt là vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất đô thị và đất xây dựng cũng như đất kinh doanh đầu tư dịch vụ thương mại thì việc hụt hẫng khi “trễ hẹn” sửa đổi Luật đất đai 2013 cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, việc lùi này là hợp lý để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng bởi ảnh hưởng của Luật đất đai là rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp.
Tiếp cận câu chuyện trên ở một góc độ khác, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định việc lùi thời gian sửa Luật đất đai 2013 sang cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, ông Võ cũng chia sẻ sự băn khoăn khi có dư luận cho rằng việc chậm trễ này là do lợi ích nhóm trong việc xin chậm trễ sửa Luật đất đai 2013 bởi có thể Luật hiện tại đang làm lợi cho một số nhà đầu tư, tổ chức thì cứ kéo dài vài năm nữa.
Về lộ trình thông qua và ban hành Luật đất đai sửa đổi, ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình (khóa XIV) từng bày tỏ băn khoăn khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đã rút ra khỏi Chương trình năm 2020 nhưng cũng không thấy xuất hiện trong đề xuất Chương trình năm 2021.
Như vậy đến năm 2022 trở đi mới xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai thì sẽ rất muộn để có cơ sở xây dựng chính sách và thực hiện các quy định khác liên quan, ông Sinh cho rằng nên đưa dự án Luật này vào thảo luận trong năm 2021 sau khi có Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII để kịp thời thể chế hóa văn kiện của Đại hội Đảng tạo cơ sở để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương.
Cũng theo ông Sinh, nếu như đến năm 2022 mới xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sớm nhất cũng phải đến năm 2023 mới có hiệu lực, và kéo theo đó có thể đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV mới ban hành hết các văn bản hướng dẫn thi hành, khi đó những vướng mắc trong thực thi Luật Đất đai sẽ chậm được khắc phục trong khi thực tế vướng mắc do quy định của Luật là rất nhiều, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm từ kẻ hở của quy định của Luật, khiếu nại tố cáo về đất đai cũng phổ biến. Cùng với đó, hệ thống pháp luật đang hoàn thiện, nhiều dự án Luật đang được xem xét như Luật PPP có nội dung liên quan đến Luật Đất đai, nếu không sớm sửa đổi Luật Đất đai sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi các luật này.
Thực tế cho thấy, hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang rất đặt niềm tin và chờ đợi vào việc đẩy nhanh tiến độ thông qua, ban hành Luật đất đai sửa đổi nhất là khi vấn đề này đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc “tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính”.
LÊ SÁNG