Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.Invest, hiện nay Luật Đất đai 2013 đang quy định một điều hết sức chưa ổn là phải giải phóng hết mặt bằng mới có quyết định giao đất. Trong khi đó, với quy định những dự án có giá trị kinh tế xã hội lớn thì mới có các cấp chính quyền vào cuộc, còn những dự án của các doanh nghiệp không được coi đó là dự án có mục đích, lợi ích kinh tế xã hội lớn.
Theo ông Hiệp, chính điều này đang đặt các doanh nghiệp trong thế “tiến thoái lưỡng nan” khi khi giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai dự án. Cụ thể, nếu tại một dự án dù 99% số hộ dân trong phạm vi quy hoạch đã đồng ý nhận tiền đền bù GPMB nhưng chỉ có 1-2 hộ không chấp nhận, kiên quyết “cố thủ” thì doanh nghiệp cũng “phải chịu”.
Nguyên do của thực trạng trên được cho là xuất phát từ việc Luật Đất đai hiện đang đang quy định hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định mà mỗi tỉnh lại quy định một hệ số khác nhau, thường là năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, việc để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân về công tác đền bù GPMB phương án khiến các doanh nghiệp rất quan ngại.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đang “mắc cạn” liên quan đến những quy định được cho là bất cập trong Luật Đất đai 2013 như trường hợp của GP.Invest, hiện doanh nghiệp đang triển khai 1 dự án tại Việt Trì (Phú Thọ) trải qua đến 5 “đời” Chủ tịch tỉnh vẫn chưa xong khâu GPMB.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng cho rằng, trong Luật Đất đai 2013 hiện đang chưa phân biệt rõ ràng về các dự án kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia và dự án kinh tế thuần túy khiến các doanh nghiệp gặp khó trong công tác GPMB.
Theo ông Điệp, dự án kinh tế nào cũng đóng góp thuế cho địa phương, tạo được công ăn việc làm như thế đều có lợi ích quốc gia nhưng theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai 2013 thì khi triển khai dự án phát triển kinh tế thì chủ đầu tư khi giải phóng mặt bằng tự thỏa thuận với người dân có giá đất đền bù dựa trên cơ sở giá thị trường.
Trong khi đó, tại Điều 62 thì các dự án Quốc gia, công cộng, dự án bằng vốn ODA và dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích Quốc gia được thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng giá đất được tính theo khung giá của Nhà nước quy định. Chính điều này đang khiến các doanh nghiệp “lạc” trong khái niệm thế nào là “dự án phát triển kinh tế -xã hội phục vụ lợi ích quốc gia” trong Điều 62 Luật Đất đai 2013, ông Điệp phân tích.
Cũng liên quan đến vướng mắc xuất phát từ Luật đất đai 2013, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết hiện các doanh nghiệp đang gặp khó do quy định của Luật đất đai 2013 khi chính các địa phương cũng đang rất lúng túng khi điều 172 của Luật Đất đai chưa làm rõ được việc các tổ chức kinh tế được quyền lựa chọn giữa phương án thuê đất trả tiền thuê hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê một lần được thực hiện cho một phần dự án hay toàn bộ dự án. Trong tổng diện tích của một dự án có đến 60% diện tích là cảnh quan, cây xanh, đường xá…
Từ những tồn tại đang gặp phải trong thực tiễn, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng, điều mà doanh nghiệp BĐS mong mỏi như “nắng hạn chờ mưa” hiện nay là sớm sửa Luật Đất đai 2013.
Cũng theo ông Hiệp thì trong lộ trình xây dựng dự thảo Luật đất đai sửa đổi sắp tới, để Luật thực sự gắn với thực tiễn, giải quyết được những “niềm đau” của doanh nghiệp thì rất cần cần sự tham gia góp ý mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.
LÊ SÁNG