Nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề đã tạo ra không ít bất cập cho thị trường BĐS

Nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề đã tạo ra không ít bất cập cho thị trường BĐS 1
Việc trông đợi các nhà môi giới tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đóng góp cho sự phát triển minh bạch của thị trường BĐS là một điều không đơn giản

Tuy nhiên, tại hội thảo “Môi giới bất động sản Việt Nam – chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế” vừa diễn ra ở TP.HCM cho thấy chỉ 12% người hành nghề môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề. Việc quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vội vã tham gia thị trường đã tạo ra không ít bất cập. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong khoảng 300.000 môi giới BĐS đang hoạt động tại Việt Nam, hiện chỉ có 27.000 người có Chứng chỉ hành nghề theo luật cũ, 8.000 người đã có Chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Tính ra, tỷ lệ môi giới BĐS chưa có chứng chỉ hành nghề lên đến hơn 88%.
Nhà môi giới tại Việt Nam nhìn chung đều “thờ ơ” và bỏ qua những quy định của pháp luật khi hành nghề. Khi rào cản pháp luật vô hình chung không có nhiều “giá trị” với những người làm nghề môi giới, thì việc trông đợi các nhà môi giới tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đóng góp cho sự phát triển minh bạch của thị trường BĐS là một điều không đơn giản.

Nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề đã tạo ra không ít bất cập cho thị trường BĐS 2
Tỷ lệ môi giới BĐS chưa có chứng chỉ hành nghề lên đến hơn 88%

BĐS hiện là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.637 doanh nghiệp, tăng 6,5%. Trong đó, lĩnh vực BĐS áp đảo với 6.423 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41,7%. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng trưởng 26,3% với 1.548 doanh nghiệp mới được thành lập. Đáng chú ý, trong số hàng ngàn doanh nghiệp BĐS thành lập mới mỗi năm, số doanh nghiệp môi giới đang chiếm một lượng đông đảo.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng đã vội vã tham gia thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy bất cập, khiến các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây. Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp cũng bị sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các “cò đất”.
Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định. Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh môi giới BĐS mà không thành lập DN theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Không lập hợp đồng hoặc hợp đồng môi giới BĐS không đầy đủ các nội dung chính đã được quy định tại Điều 61 Luật Kinh doanh BĐS.

Nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề đã tạo ra không ít bất cập cho thị trường BĐS 3
Nghề môi giới luôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường BĐS

“Bên cạnh đó, hiện người môi giới BĐS còn yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, coi thường các quy định quản lý. Trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý BĐS, quy hoạch. Gần 100% giao dịch BĐS riêng lẻ, giao dịch BĐS trên thị trường thứ cấp không đóng thuế thu nhập từ hoạt động môi giới BĐS. Ngoài ra, hoạt động thông tin ảo, đồn thổi giá, sai lệch quy hoạch diễn ra khá nhiều trên thị trường BĐS” – ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khoảng 80% giao dịch BĐS thành công là thông qua môi giới. Điều đó khẳng định môi giới có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường BĐS. Chính vì vậy, tại hội thảo, nhiều diễn giả cũng đã đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho nghề môi giới như giải pháp quản lý người môi giới theo công nghệ gắn mã số; Kiến nghị, đề xuất nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý nghề môi giới BĐS hiệu quả hơn; Đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nhà môi giới tại Việt Nam cũng như bài học kinh nghiệm về hoạt động môi giới tại những thị trường BĐS phát triển như Mỹ, Singapore… giúp gia tăng vai trò tích cực của nhà môi giới với thị trường BĐS, từ đó góp phần vào việc đưa thị trường BĐS Việt Nam phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững.

Tin liên quan