Trong bài báo đăng trên Tạp chí Nature Sustainability vào thứ hai (giờ Mỹ), các nhà nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania đã giải thích cách họ phát triển một lớp phủ dạng phun có thể giảm 90% lượng nước tiêu thụ, cũng như giảm mùi hôi và cản trở sự lây lan của vi trùng.
Trao đổi với trang The Guardian, trưởng nhóm nghiên cứu Tak-Sing Wong cho biết, ông đã phát triển công nghệ nhà vệ sinh đặc biệt này cách đây 4 năm, khi đó một số nhà nghiên cứu từ Đại học Cranfield đã đến mời ông cùng cộng tác trong việc chế tạo ra một lớp phủ siêu trơn, để áp dụng trong các nhà vệ sinh mới trong khu vực. Tên gọi của lớp phủ này là “Less”.
Để thử nghiệm Less, các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm với các dạng chất thải có độ đặc khác nhau, thả xuống từ độ cao khoảng 40cm xuống một cái đĩa được đặt nghiêng 45 độ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuốc nhuộm màu nhằm xác định lượng nước đã được sử dụng để rửa sạch mặt đĩa. Kết quả, lượng nước để rửa sạch mặt đĩa được phủ bằng Less ít hơn đến 90% so với mặt đĩa không có lớp phủ này. Như vậy mục đích chính của lớp phủ Less là để đối phó với sự khan hiếm nước đã thành công.
Các thử nghiệm cho thấy lớp phủ ít hơn có thể chịu được tới 500 lần xả nhưng cần phải thay thế sau 50 lần đi tiểu. Theo Guardian, Wong đã thành lập một công ty để bán lớp phủ đặc biệt này.
Đáng chú ý, sáng chế này được đưa ra đúng vào dịp kỉ niệm Ngày nhà vệ sinh thế giới 19/11. Năm nay, Ngày nhà vệ sinh thế giới có chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hướng đến thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội đến những người bị bỏ lại phía sau.
Vào năm 2018, tỷ phú Bill Gates đã ra mắt hệ thống nhà vệ sinh kiểu mới do quỹ Bill and Melinda Gates dày công nghiên cứu và phát triển. Bill Gates đã bỏ ra hơn 200 triệu USD để nghiên cứu suốt hơn 7 năm qua bồn cầu không nước của mình với hy vọng có thể cứu sống hàng triệu người trên thế giới mà không cần tới điện, nước và đường cống. Chi phí sử dụng của bệ xí này cũng chỉ tốn khoảng 0,01 USD/ngày, rất rẻ và phù hợp ở mọi nơi trên thế giới.
Hiện nay, có khoảng 4,2 tỷ người sống mà không được sử dụng điều kiện vệ sinh an toàn, 673 triệu người vẫn đang phải sử dụng những nhà vệ sinh thô sơ và 3 tỉ người thiếu các thiết bị sinh hoạt cơ bản. Cuộc khủng hoảng vệ sinh này có nghĩa là chất thải của con người không được xử lý đang là nguy cơ lây lan dịch bệnh vào nguồn nước và chuỗi thức ăn của hàng tỷ người.
Theo tính toán, vệ sinh không an toàn sẽ gây ra 432.000 ca tử vong vì bệnh tiêu chảy mỗi năm. Trên toàn cầu, có nguy cơ không đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 6 về nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Nguyên nhân của vấn đề này là do nguồn tài chính đang giảm, nhu cầu về nước sạch tăng, ô nhiễm nước ngày càng tồi tệ và cơ cấu quản trị tài nguyên nước hiện tại yếu và phân mảnh.
Nguyễn Long