Đạt làm việc đã 5 năm, cũng đã đổi qua 9 công việc, bây giờ lại sắp từ chức tiếp.
Anh ấy không muốn tiếp tục nhảy việc nữa, nên đã tham gia một hội thảo tư vấn nghề nghiệp. Nội dung anh ấy hỏi là:
“Có công việc nào phù hợp với tôi không? Tôi nên tiếp tục làm công ty, hay ra riêng lập nghiệp. Hoặc là lại tiếp tục học tiếp lên thạc sĩ?”
Đạt nói rằng anh ta không thích công việc đang làm, lãnh đạo không coi trọng anh ta, nên anh ta muốn từ chức.
Anh ấy cũng từng nghĩ đến việc ra riêng lập nghiệp. Lúc mới bắt đầu nghĩ đến điều này thì trong lòng đầy phấn khởi và nhiệt huyết muốn thử. Nhưng sau đó nghĩ tới nghĩ lui, sợ thất bại, lỗ vốn nên đành thôi.
Có vài người khuyên anh ta học lên thạc sĩ đi, sau đó xin làm thầy giáo dạy ở trường đại học cũng được. Có lẽ do tính cách anh ta không hợp với môi trường công sở, thử đổi qua môi trường giáo dục xem sao. Anh ta ngẫm lại thấy cũng đúng, nhưng bản thân đã tốt nghiệp hơn 5 năm rồi, giờ học lại liệu có thể chăm chỉ học bài, đọc sách như trước hay không? Điều này cũng khiến anh ta rất lo lắng.
Bạn gái đề nghị anh ta thử chuyển sang hướng tự kinh doanh quy mô nhỏ trước, nhưng thấy cha mẹ phản đối, Đạt cũng không dám nghĩ đến nữa.
Vấn đề của Đạt là gì?
Thực ra thời nay, có không ít người như Đạt. Và bọn họ càng nhảy việc, càng rơi vào tình huống tồi tệ hơn trước.
Những điểm tương đồng giữa họ là:
Đã đổi qua rất nhiều công việc, nhưng việc nào cũng cảm thấy không phù hợp với mình.
Vì nhảy việc thường xuyên, nên nghĩ rằng công việc đó “không ổn định”.
Mỗi việc đều làm không lâu, cũng không nghiên cứu sâu, dẫn đến việc không tích lũy được năng lực cạnh tranh.”
Sau khi nhảy việc xong lại thấy tiếc nuối. Bởi vì “cái hố mới” không tốt bằng “cái hố cũ.”
Nhảy việc thường xuyên khiến họ luôn trở thành “người mới”
Cuối cùng, cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất: Ảnh hưởng xấu đến tâm lý cá nhân, thấy thất vọng khi đi xin việc mới, nghi ngờ năng lực bản thân, thậm chí nghi ngờ về cuộc sống của chính mình. Hơn nữa, còn dễ bị các nhà tuyển dụng đánh giá kém, có ấn tượng xấu.
Nhưng có đôi khi, không phải công việc đó không phù hợp với bạn, mà là bạn không thích hợp để làm công việc đó.
Vậy làm thế nào để tìm được công việc phù hợp với bản thân?
Trước tiên, hãy tìm hiểu bản thân mình trước, sau đó tìm hiểu công việc sau.
1. Xem lại kinh nghiệm làm việc trong quá khứ
Tự hỏi bản thân rằng:
Trong các công việc đã làm, bạn coi trọng nhất cái nào? Từ đó, tìm ra yêu cầu bản thân.
Công việc đó bạn làm sao có được? Bạn đã chuẩn bị như thế nào? Và người phỏng vấn đánh giá ra sao? Từ đó tìm ra kinh nghiệm phỏng vấn thành công, hiệu quả.
Sau khi làm việc, khoảng cách lớn nhất bạn gặp là gì? Điều nào khiến bạn không chịu nổi? Hiểu rõ điểm này, có thể tránh được sai lầm khi chọn công việc tiếp theo.
Lý do cuối cùng khiến bạn quyết định xin nghỉ việc là gì? Giúp hiểu rõ bản thân muốn gì hơn.
2. Mô tả công việc lý tưởng của bạn
Ba điểm mà bạn đánh giá cao nhất trong một công việc là gì? (tiền lương, chế độ, lãnh đạo, vị trí…)
Tại sao bạn lại xem trọng 3 điểm này?
Bạn nghĩ bạn cần chuẩn bị những gì để có được công việc như thế?
Bạn có bằng lòng vì công việc lý tưởng của mình mà cố gắng hết sức hay không?
3. Thu thập thông tin về vị trí nghề nghiệp
Tại sao nhiều người thường cảm thấy hối hận sau khi nghỉ việc?
Đó là vì họ chưa hiểu rõ về công việc trước đây của mình, nhưng lại bị thu hút bởi “bề ngoài” của công việc khác.
Giống như trường hợp của bạn tôi, có một hôm khi chơi trò chơi ở công ty, anh ấy được đưa cho hai hộp quà, một hộp quà được gói rất đẹp, một hộp quà bao bì trông rất xấu.
Người dẫn chương trình bảo anh ta chọn hộp quà nào thì sẽ được nhận hộp quà đó. Anh ta liền bị thu hút bởi hộp quà đầu tiên, và lựa chọn mở nó ra xem ngay. Nhưng anh ta lại không ngờ rằng món quà bên trong chỉ là một cái bánh bị mốc. Còn bên trong hộp quà xấu xí kia lại là một chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp.
Thế nên, trước khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ thật kĩ. Không phải cái gì nhìn bề ngoài đẹp thì bên trong cũng tốt. Có nhiều công việc, bề ngoài trông lương cao lại nhàn nhã. Nhưng chỉ có người từng làm và đang làm nó mới hiểu rõ hết những nỗi cực khổ trong đó.
Những thông tin mà bạn cần thu thập trước khi muốn nhảy qua công việc mới là:
Thông tin công việc (trách nhiệm cần làm, nội dung cụ thể…)
Môi trường làm việc (gần hay xa nơi bạn ở, bạn có chấp nhận được khoảng cách này không?)
Không gian phát triển (triển vọng nghề nghiệp…)
Tiền lương (cao hay thấp, đủ sống không…)
Đồng nghiệp
Bạn có thể tìm hiểu những điều này khi đọc trong tin tuyển dụng, email hỏi nhân sự hoặc hỏi trực tiếp trong buổi phỏng vấn.
Hi vọng những kinh nghiệm này có thể giúp bạn tìm ra được công việc phù hợp với chính mình.