Kiến nghị lùi thời gian hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đến năm 2023

capture-png47-3925-1589169280.png

 Phối cảnh dự án cầu Mỹ Thuận 2, sẽ đấu nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Theo Bộ GTVT, do cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023, nên việc rút ngắn thời gian thông xe kỹ thuật cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vào năm 2022 sẽ không mang lại hiệu quả cao, đồng thời gây khó khăn cho việc phải bố trí bổ sung 544 tỷ đồng từ vốn ngân sách cho dự án. Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị lùi tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2023.

Để thu hồi vốn nhà nước đầu tư cho dự án, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công cho dự án. Bộ cũng sẽ lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối với các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí, khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng vốn đã đầu tư cho dự án. 

Bộ GTVT cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.

Bộ GTVT cũng vừa đề nghị Bộ KH-ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án thành phần 2 của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TPHCM. Dự án có chiều dài khoảng 16,57km, điểm đầu tuyến giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, điểm cuối tuyến giao với tỉnh lộ 25B; vận tốc thiết kế 80km/giờ với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.660 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA Hàn Quốc khoảng 2.585 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng, phần còn lại là vốn của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2021 đến 2025.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian 3 tháng. 

Đối tượng được miễn, giảm là các đơn vị kinh doanh có phương tiện được các sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định. Thời gian đề xuất hỗ trợ là các tháng 3, 4, 5, có đánh giá tác động đến tháng 6. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương tổng hợp số liệu về thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong thời gian dịch bệnh, báo cáo trước ngày 15-5. Trên cơ sở tổng hợp số liệu, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính về giảm phí sử dụng đường bộ. 

Tin liên quan