Kịch bản mới cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Đóng mạch tuyến cao tốc về Đồng bằng sông Cửu Long

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn I theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Được biết, cuối tháng 4, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn I theo hình thức đầu tư công.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, sẽ được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Với quy mô xây dựng nói trên, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn I ước 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 2.891,51 tỷ đồng.

Do đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ GTVT, nên dự án được tính là công trình chuyển tiếp trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đối với số vốn còn lại, khoảng 3.895,32 tỷ đồng.

my-thuan-can-tho-3481-1589033872.jpg

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được chuyển chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa Dự án vào khai thác. Ảnh: Nguyễn Tường.

Trước đó, tại Thông báo 147/TB-VPCP ngày 7/4 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ, Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn I sang hình thức đầu tư công để đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2022.

Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh việc huy động vốn tín dụng dài hạn, quy mô lớn cho các dự án PPP giao thông ngày một khó khăn, nếu tiếp tục triển khai Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ theo hình thức PPP sẽ không thể xác định được chính xác thời gian hoàn thành, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng ngay đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là hết sức cấp thiết.

“Cùng với đoạn tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào năm 2021, nếu triển khai sớm Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần đóng mạch tuyến cao tốc từ TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ dài hơn 100 km. Ngoài việc phát huy hiệu quả đầu tư, còn trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung”, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.

Phương án tối ưu

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết theo quyết định đầu tư Dự án theo hình thức BOT được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 10/2019, công trình dự kiến khởi công năm 2020, hoàn thành cơ bản năm 2022. Như vậy, để đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật vào năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4, thì phải điều chỉnh các giải pháp xử lý đất yếu để rút ngắn thời gian thi công, dẫn đến chi phí xây dựng tăng khoảng 544 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023, nên việc bổ sung 544 tỷ đồng để rút ngắn thời gian thông xe kỹ thuật trong khi cầu Mỹ Thuận 2 chưa hoàn thành để thông xe toàn tuyến sẽ không mang lại hiệu quả cao, đồng thời gây khó khăn cho việc bố trí vốn ngân sách. Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị tiến độ hoàn thành cơ bản Dự án trong năm 2022, hoàn thành toàn bộ trong năm 2023 để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 12/11/2017 của Quốc hội về việc nghiên cứu phương án thu hồi vốn Nhà nước đầu tư dự án đầu tư công, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công cho Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Cụ thể, Bộ GTVT sẽ lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác (nhà điều hành, trạm thu phí,…) và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối với các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

“Dự kiến, đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng vốn đã đầu tư cho Dự án”, ông Nhật cho biết.

Ông Mai Thế Vinh, người có thời gian nghiên cứu chuyên sâu về các dự án đầu tư hạ tầng do khối tư nhân đầu tư tại Trung tâm PPP giao thông (Đại học George Mason, Hoa Kỳ) cho rằng đề xuất của Bộ GTVT có tính hợp lý cao, bởi ngoài việc giúp chủ động được tiến độ triển khai công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể thu được phần lớn các chi phí đầu tư nhờ việc bán quyền thu phí để tái đầu tư các dự án thiết yếu khác.

“Phương án này thậm chí an toàn và khả thi hơn so với hình thức PPP, loại hợp đồng BOT”, ông Vinh đánh giá.

Tiến độ triển khai dự kiến

-Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi: quý II/2020

-Lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật: tháng 9/2020

-Tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng: tháng 5 – 12/2020

-Lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng: tháng 11 – tháng 12/2020

-Thi công và cơ bản hoàn thành vào năm 2022.

Tin liên quan