UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến đường sắt này được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là hơn 13.800 tỷ đồng (669,62 triệu USD).
Theo cơ chế tài chính trong nước được Thủ tướng phê duyệt, phần chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án với giá trị 577,1 triệu USD áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát vốn vay nước ngoài.
Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD, theo cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài. Đến năm 2016, chi phí cho các hạng mục này được điều chỉnh tăng từ 92,52 triệu USD lên 98,35 triệu USD.
Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ GTVT ủy quyền cho Ban QLDA đường sắt ký kết thỏa thuận cho vay lại phần vốn vay nước ngoài để thực hiện giải ngân các hạng mục liên quan tới việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải.
Trong giai đoạn xây dựng, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài, trả nợ gốc và các khoản phí liên quan cho tới khi dự án hoàn thành bàn giao.
UBND TP Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ khoản vay lại của dự án từ Bộ GTVT theo nguyên tắc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người vay lại và trả nợ ngân sách sau khi dự án kết thúc giai đoạn xây dựng và bàn giao cho UBND TP.
Như vậy, tổng vay nợ cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 98,35 triệu USD, trong đó phải trả nợ lãi hơn 30.000 USD. Hạn trả cuối cùng cho khoản vay này là tháng 9/2032.
Lãi suất cho vay lại là 4%/năm tính trên số dư nợ vay lại. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.
Theo Hà Nội, việc vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông không làm vượt hạn mức vay nợ của TP.
Trả lời chất vấn trước QH ngày 5/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, đây là dự án đường sắt đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mạng của hành khách, do đó để vận hành thương mại thì tư vấn phải chứng nhận được an toàn hệ thống.
Việc này tư vấn đang làm cùng với Bộ, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo công ty đường sắt Hà Nội đang đào tạo khoảng 800 người sử dụng phương tiện này.
“Đội ngũ 800 người này phải am hiểu thuần thục thì chúng ta mới vận hành thương mại, chứ vận hành mà xảy ra sự cố thì rất nghiêm trọng”, ông Thể nêu.
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, khi thực hiện thì thấy tổng thầu TQ xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành thiếu kinh nghiệm.