Công trình của Mường Thanh bị phạt ‘không cho tồn tại’

“Phạt không cho tồn tại” là thông điệp mà Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh tại hội nghị Chính phủ với địa phương hôm 2/1. Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng các địa phương cần chấm dứt việc để công trình sai phép, sai quy hoạch so với phê duyệt được tồn tại.

Hai tuần sau, công viên nước Thanh Hà rộng 3 ha, trị giá 200 tỷ đồng, của Tập đoàn Mường Thanh bị phá dỡ hoàn toàn do xây dựng không phép.

“Phạt cho tồn tại”

“Phạt cho tồn tại” hay “phạt không không cho tồn tại” với các dự án xây dựng sai phép từng gây nhiều tranh cãi. Một số cho rằng nếu phá dỡ hoàn toàn công trình sai phạm thì sẽ lãng phí của cải của xã hội.

Tuy nhiên, số khác ủng hộ việc phá dỡ hoàn toàn cho rằng cần phải hành động quyết liệt, tránh việc chủ đầu tư “nhờn luật”, hợp thức hóa các sai phạm bằng việc nộp phạt.

Từ ngày 1/1/2018, Nghị định 139 của Chính phủ quy định các công trình sai phép, không phép phải khôi phục theo đúng quyết định chứ không có chuyện “phạt cho tồn tại” nữa.

5-zing-5119-1579332815.jpg

Toàn cảnh công viên nước Thanh Hà (Hà Đông). Ảnh: Việt Linh.

Theo nghị định này, nếu công trình đang thi công mà có sai phạm thì sẽ dừng thi công và cho phép trong 60 ngày xin cấp phép xây dựng tiếp. Nếu trong thời gian này, cơ quan quản lý xem xét công trình xây dựng đúng quy hoạch và cho cấp phép xây dựng tiếp thì công trình đó sẽ tiếp tục được xây dựng, còn nếu không cho phép thì sẽ yêu cầu phá dỡ.

Trước năm 2018, quy định về việc bắt buộc phá dỡ công trình vi phạm còn nhiều điểm chưa chặt chẽ. Tại Hà Nội, nhiều công trình của Mường Thanh tai tiếng vì các vi phạm nhưng vẫn không bị tháo dỡ hoàn toàn.

Chỉ cách công viên nước Thanh Hà vài km, nhiều công trình của Mường Thanh từng xây dựng sai quy hoạch được phê duyệt, tự ý nâng tầng, chuyển đổi công năng… Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội bất lực trước việc phá dỡ công trình sai phạm bởi chủ đầu tư đã bán cho khách hàng và người dân đã dọn về ở.

“Chiến dịch đòi sổ hồng” là từ mà báo chí dùng để miêu tả việc cư dân nhiều chung cư của Mường Thanh căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả sổ hồng. “Chiến dịch” này xuất hiện ở hầu hết chung cư mà Mường Thanh xây dựng tại Hà Nội như khu đô thị Xa La, dự án HH Linh Đàm, dự án VP6 Linh Đàm…

Lý do một số căn hộ không được cấp sổ hồng là dự án thiếu cơ sở pháp lý, xây dựng sai quy hoạch, vượt tầng, xây dựng căn hộ ở tầng không được phép…

Điển hình nhất là tổ hợp HH Linh Đàm. Dự án này được cấp phép xây dựng 27 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng 36-41 tầng, vượt nhiều tầng so với quy hoạch được phê duyệt.

Tại nhiều chung cư Mường Thanh, cư dân gặp khó khăn khi chuyển nhượng nhà ở bởi chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Việc không thể phá dỡ các công trình vi phạm của Mường Thanh tại Hà Nội từng khiến nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc.

Buông lỏng quản lý cho đến khi xây dựng xong

Việc công viên nước Thanh Hà chỉ mới khai trương vào mùa hè năm 2019 đã bị phá dỡ hoàn toàn cho thấy quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc xử lý nghiêm các công trình sai phạm.

Đáng chú ý, đây là một trong số ít lần hiếm hoi các công trình của Mường Thanh bị chính quyền cưỡng chế hoàn toàn khi xây dựng không phép, sai quy định.

Trao đổi với Zing.vn, bà Đoàn Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết quan điểm của chính quyền là làm đúng theo quy định của pháp luật.

Quận đã gửi 2 quyết định tới chủ đầu tư. Tuy nhiên sau 15 ngày, chủ đầu tư không chịu tháo dỡ nên UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) đã thực hiện tháo dỡ theo quyết định của quận Hà Đông.

chung-cu-xa-la-2-zing-3370-1579332816.jp

Nhiều căn hộ do Mường Thanh xây dựng không được cấp sổ hồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính cho rằng dù có lãng phí hay không lãng phí của cải của xã hội, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Việc thực hiện cưỡng chế sẽ có tính răn đe, chấp hành pháp luật được thực hiện nghiêm.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định bây giờ không phải là lúc để xem xét việc phá dỡ có lãng phí hay không mà phải thực hiện nghiêm theo quy định của Nhà nước. Ông cho biết từ ngày 1/1/2018, nghị định mới của Chính phủ đã yêu cầu “không cho tồn tại” các công trình xây dựng sai phép.

Tuy nhiên, ông Võ cũng nhắc đến trách nhiệm của chính quyền địa phương đã có một thời gian dài buông lỏng quản lý, đến lúc công trình hoàn thành xong, khai thác vận hành mới bị phá bỏ.

“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền phường. Một công trình lớn như vậy, từ lúc xây dựng đến khi khánh thành là một thời gian dài. Tuy nhiên chính quyền lại không phát hiện ra mà thực hiện dừng xây dựng từ sớm”, ông nói.

Công viên nước Thanh Hà nằm trong khu đô thị Thanh Hà (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) là công viên nước lớn nhất tại Hà Nội với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

Công trình được xây dựng trên diện tích 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ. Kể từ khi mở cửa cho khách tham quan và vui chơi vào tháng 6/2019, đã có hai vụ trẻ tử vong do đuối nước tại đây.

Tin liên quan