Bổ sung cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với nhà thầu

Đề nghị bổ sung quy định về cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu để vừa đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, vừa góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Bổ sung cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với nhà thầu 1

Cần bổ sung quy định về cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu

Làm rõ quy định thẩm định dự án

Tại phiên họp Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, trong đó có nêu: Về thẩm định dự án đầu tư xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Chương III, Chương IV), dự án Luật đã phân định rõ hơn trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng; áp dụng nguyên tắc thẩm định song song, đồng thời nhiều nội dung của các chủ thể khác nhau, giảm thời gian thẩm định dự án, thiết kế xây dựng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ thêm quy định về nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng với thẩm định khi quyết định chủ trương đầu tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn, phòng cháy, chữa cháy ở giai đoạn thẩm định dự án và thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở; việc tích hợp các công đoạn trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế và cấp giấy phép xây dựng…

“Đề nghị giữ lại quy định về hồ sơ thẩm định dự án, đồng thời bổ sung kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn, ý kiến nhận xét của chuyên gia và coi đây là một thành phần hồ sơ trình thẩm định dự án, thực hiện đúng trách nhiệm của các chủ thể; quy định về cơ chế tham vấn chuyên gia và cộng đồng dân cư”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Bên cạnh đó, đối với dự án đầu tư xây dựng có cấu phần xây dựng phụ thuộc nhiều vào yếu tố công nghệ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cần cân nhắc việc thẩm định trước hồ sơ thiết kế công nghệ, làm cơ sở thẩm định dự án các giai đoạn tiếp theo; cần quy định cụ thể hơn về tài liệu khảo sát xây dựng trong hồ sơ thiết kế; bổ sung quy định cụ thể xem xét tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong nội dung thẩm định dự án.

Về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng (sửa đổi Điều 62 và 63), ông Phan Xuân Dũng cho rằng, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, cần phân biệt rõ chủ thể sở hữu vốn và chủ thể quản lý vốn; cần làm rõ quy định về vị trí và vai trò của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.

“Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý dự án, hạn chế việc ủy thác cho Ban quản lý dự án vai trò của chủ đầu tư; không nên giao nhiệm vụ thực hiện tư vấn quản lý dự án đối với dự án khác; cân nhắc việc giao thêm thẩm quyền cho Ban quản lý dự án như thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán với các công trình mà Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư” – Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Bổ sung quy định cơ chế bảo lãnh thanh toán

Một trong những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích khá kỹ trong báo cáo là quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sửa đổi, bổ sung các Điều 132, 136 và 137).

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng bắt buộc áp dụng hệ thống định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với dự án có vốn đầu tư công và cơ chế vận dụng đối với các dự án có vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP; cơ chế định kỳ rà soát, cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức xây dựng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có nguyên nhân là do việc áp dụng định mức kinh tế – kỹ thuật và chi phí chưa thực sự phù hợp với các loại dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án có quy mô xây lắp và nguồn vốn khác nhau.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với sự thay đổi trong quy định về áp dụng định mức chi phí; từ cơ chế chủ đầu tư sử dụng, tham khảo, tự nguyện đến cơ chế bắt buộc áp dụng định mức do cơ quan nhà nước ban hành…

“Cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự toán; cập nhật, tuyên truyền, phổ biến, bổ sung các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm thiết kế thi công, nhất là đối với các loại kết cấu, công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng công trình xây dựng” – Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu để vừa đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, vừa góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản thời gian vừa qua chưa có biện pháp khắc phục.

BAN MAI

Tin liên quan