Cùng với quy mô đầu tư, các công nghệ dự kiến áp dụng chính là những điểm nhấn nổi bật nhất trong Tờ trình số 6525/TTr – BGTVT về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn I vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thẩm định Nhà nước.
Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV là chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện là JFV (liên danh nhà thầu Nhật – Pháp – Việt) do Japan Airport Consultants và ADP Ingenierie đứng đầu.
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, ACV và JFV đề xuất áp dụng hàng loạt công nghệ 4.0 vào công tác quản lý khai thác cảng HKQT Long Thành.
Cụ thể, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence – AI) sẽ được áp dụng vào các hệ thống làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh nhằm hỗ trợ việc nhận dạng, danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay…) được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn được thời gian.
Bên cạnh đó, thông qua việc phân tích dữ liệu thu nhận từ hệ thống truyền hình mạch kín (CCTV), AI sẽ giúp dự đoán chuyển động của từng hành khách, tính toán đưa ra những thông tin đề xuất nhằm tối ưu hóa luồng hành khách hoặc phân bổ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi.
Cùng với dữ liệu Quốc gia, AI giúp nhận diện đối tượng trong danh sách cấm bay, đối chiếu và đưa ra các cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh. Ngoài ra AI sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh… để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối và phân chia khai thác…
Tư vấn đã thiết kế một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho cảng HKQT Long Thành để lưu trữ thông tin của các hệ thống của toàn bộ sân bay như: hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, Đài kiểm soát không lưu, hệ thống thông tin dẫn đường, hệ thống hướng dẫn cất hạ cánh, hệ thống thông tin xuất nhập cảnh, hệ thống thông tin Hải quan… Kết hợp với hệ thống kết nối thông tin hỗ trợ kết nối giao tiếp vật lý và logic cho các hệ thống thông tin tại sân bay, hệ thống Big da ta này sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích và kiểm tra thông tin, đảm bảo thông tin được truy xuất cho các hệ thống riêng lẻ theo đúng định dạng, nhằm cung cấp tất cả dữ liệu liên quan hoạt động phục vụ bay một cách chính xác trong môi trường thời gian thực, giúp đơn vị quản lý vận hành hiệp đồng ra quyết định tại sân bay, phân bổ phối hợp khai thác toàn bộ cơ cở hạ tầng kỹ thuật của Cảng một cách phù hợp, hiệu quả nhất, giúp đơn vị quản lý vận hành có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Internet vạn vật là mạng lưới thiết bị kết nối Internet khi mà mỗi thiết bị, con người được cung cấp một định danh của riêng minh nhưng tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. Đối với cảng HKQT Long Thành, đơn vị tư vấn cho biết là tất cả các hệ thống trang thiết bị sẽ là thành phần của IoT, được gắn kết với phần mềm, cảm biến, kết nối mạng… để tất cả có khả năng thu thập, truyền tải và trao đổi thông tin, dữ liệu. IoT giúp cho các trang thiết bị kỹ thuật này có thể được nhận dạng và điều khiển từ xa dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.
“Một trong những ứng dụng IoT nổi bật là công nghệ nhận dạng thông tin bằng tần số vô tuyến – RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ kết nối để tự động xác định và theo dõi bằng các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể như hành lý, thiết bị, đối tượng…”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Theo Bộ GTVT, trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã thiết kế hệ thống BHS được kết hợp với công nghệ nhận dạng thông tin hành lý bằng RFID nhằm giúp cho việc phân loại và nhận dạng hành lý chính xác, đảm bảo an toàn cho kiểm soát thông tin soi chiếu an ninh, soi chiếu hải quan và hỗ trợ hành khách dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của minh cũng như phục vụ các tiện ích như: bãi đậu xe thông minh, thông tin chuyến bay, sơ đồ nhà ga, thông tin mua sắm…
Tại cảng HKQT Long Thành, tư vấn thiết kế công nghệ tự động hóa (hiện được áp dụng cho các nhà ga mới của các sân bay lớn trên thế giới như Incheon T2, Changi T4,…) cho các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tự động như: hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng không (Self Check-in Kiosk), hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý (Self Baggage Drop), hệ thống kiểm soát an ninh tại cổng ra vào tự động (Automatic Gate Access Control), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động (Automated Immigration), hệ thống cửa ra tàu bay tự động (E-gate).
Dự kiến, cảng HKQT Long Thành sẽ áp dụng công nghệ vận chuyển và phân loại hành lý ký gửi bằng khay độc lập (công nghệ này đang được áp dụng tại nhiều sân bay lớn, hiện đại trên thế giới) với tốc độ vận chuyển nhanh gấp 5 lần so với các hệ thống băng tải, tiết kiệm năng lượng, góp phần nâng cao công suất xử lý hành lý, rút ngắn thời gian chuyển tiếp giữa các nhà ga. Áp dụng công nghệ lưu trữ và xử lý hành lý đến sớm EBS (Early Baggage System) hiện đại có đầy đủ chức năng tự động phân loại, lưu trữ, bốc dỡ và vận chuyển hành lý ký gửi đến sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách chủ động làm thủ tục hàng không và ký gửi hành lý sớm hơn nhiều giờ so với quy định hiện nay. Hành khách đi tàu bay có thể linh hoạt chọn thời điểm đến sân bay phù hợp để tránh ách tắc giao thông, giảm tải khai thác tại nhà ga.
Để đảm bảo an ninh hàng không, Tư vấn đề xuất sử dụng thiết bị kiểm thể tự động (Body Scanner) sẽ được trang bị 100% bên trong nhà ga hành khách thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay nhằm rút ngắn thời gian ở khâu kiểm tra an ninh và tạo sự thoải mái cho hành khách.
Tại cảng HKQT Long Thành cũng sẽ áp dụng quy trình soi chiếu kiểm soát an ninh và hải quan đối với hành lý ký gửi (quốc tế, quốc nội) với 5 mức độ kiểm tra nghiêm ngặt cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị soi chiếu hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn ECAC III của Châu Âu (tương đương TSA của Mỹ) sẽ tăng cường mức độ đảm bảo an ninh an toàn hàng không. Hàng rào an ninh sử dụng hệ thống cáp quang cảm biến chống xâm nhập kết hợp camera giám sát nhằm phát hiện sớm các vị trí có nguy cơ xâm nhập trái phép, cung cấp và lưu trữ hình ảnh tại khu vực có cảnh báo, phục vụ công tác đảm bảo an ninh hàng không.
Theo xu thế hiện nay, các công nghệ ứng dụng cho ngành hàng không ngày càng phát triển nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, kỹ thuật số, sinh trắc học… nhất là khi dự án còn có các bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, cũng như thời gian xây dựng để đưa vào khai thác sau khoảng 6 năm nữa (năm 2025), do đó Tư vấn cũng thiết kế công nghệ có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm thích hợp.
Đơn vị tư vấn cho biết là lực lượng lao động kỹ thuật, quản lý khai thác, quản lý điều hành bay cho cảng HKQT Long Thành sau này dự kiến sử dụng lực lượng quản lý vận hành nòng cốt ở cảng HKQT Tân Sơn Nhất, được đào tạo nâng cao thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ kết hợp với lực lượng đào tạo mới tại các trung tâm đào tạo quốc tế.
Trong quá trình thiết kế và thi công, nguồn nhân lực này sẽ trực tiếp tham gia học tập và thực hành khi lắp đặt, vận hành chạy thử trang thiết bị (mô hình áp dụng thành công tại Dự án Nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Dự án Nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Nội Bài). Đồng thời, tiếp tục đổi mới thể chế, nâng cao năng lực quản lý hướng đến việc vận hành quản lý khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đảm nhận vai trò Trung tâm trung chuyển quốc tế.
Được biết, theo kết quả nghiên cứu của Tư vấn, tham khảo số liệu thống kê của các nước trong khu vực Đông Nam Á và các cảng hàng không hiện đang khai thác tại Việt Nam, đối với CHKQT Long Thành giai đoạn 1 dự kiến cần khoảng 5.000 – 6.000 cán bộ, công nhân viên. Tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ tự động hóa tại Cảng hàng không giai đoạn khai thác, nguồn nhân lực cần thiết cho hoạt động của CHKQT Long Thành sẽ được điều chỉnh phù hợp.