Bí thư Nhân: Có chủ đầu tư nâng một căn nhà thành cả toà chung cư

Ngày 30/7, lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành của TP.HCM tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị xây dựng đề án tổng thể trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, việc gia tăng vi phạm xây dựng được đánh giá đến từ cơ quan quản lý, cán bộ chuyên trách.

Bí thư Nhân: Có chủ đầu tư nâng một căn nhà thành cả toà chung cư 1
Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Huy.

Còn người hưởng lợi, xây dựng trái phép còn tồn tại

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng một số trường hợp xảy ra trên địa bàn thành phố như chủ đầu tư đăng ký nhà 2 tầng nhưng khi thực hiện lại tách trái phép thành 25 căn. Có chủ đầu tư đăng ký 3 căn, khi thực hiện lại nâng lên thành 19 căn. Thậm chí có chủ đầu tư nâng 1 căn nhà thành tòa chung cư hàng trăm người ở.

Dù chính quyền đã quyết tâm nhiều năm nhưng những hiện tượng trên còn tồn tại là do còn có nhiều người hưởng lợi.

“Cần làm rõ những đối tượng hưởng lợi trong việc xây dựng không phép, trái phép là ai”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Bí thư Nhân: Có chủ đầu tư nâng một căn nhà thành cả toà chung cư 2
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Quang Huy.

Bí thư Nhân cho rằng khi để người dân thấy mua nhà, xây dựng trái phép không đem lại lợi ích thì các cò đất, đầu nậu sẽ không còn hoạt động. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức phụ trách quản lý đất đai, xây dựng phải bị xử lý về chính quyền và về Đảng khi phát hiện sai phạm trong công tác.

Ngoài biện pháp xử lý vi phạm, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố rà soát lại quy hoạch của phường, xã, quận, huyện. Ông yêu cầu chính quyền từ nay đến cuối năm phải làm rõ chỗ nào là đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyển đổi mục đích sử dụng…

“Nếu tình trạng xây dựng trái phép còn tiếp diễn, người đứng đầu địa phương và các sở, ngành phải chịu trách nhiệm”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Cắt điện nước khi phát hiện vi phạm xây dựng

Tại Hội nghị, UBND các quận 2, quận 9 và Quận ủy Hóc Môn đã kiến nghị TP có biện pháp tổ chức tháo dỡ khi phát hiện dấu hiệu xây dựng sai quy định, tránh để công trình hoàn thành rồi mới phá bỏ, gây lãng phí.

Bí thư Nhân: Có chủ đầu tư nâng một căn nhà thành cả toà chung cư 3
Biệt thự xây trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Minh Thư.

Đại diện các quận cũng đề xuất UBND TP nghiên cứu, bổ sung thêm quy định cắt điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang yêu cầu có biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép và không phép.

“Để lắp đặt đường điện, nước, người dân cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng có đủ cơ sở để cắt điện nước đối với các hộ xây dựng trái phép, sai phép không chịu tháo dỡ”, ông Quang góp ý.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đồng tình và cho rằng việc cắt điện nước là cần thiết trong việc cưỡng chế các trường hợp vi phạm.

Bí thư Nhân: Có chủ đầu tư nâng một căn nhà thành cả toà chung cư 4
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Quang Huy.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tư pháp TP.HCM sớm nghiên cứu phương án ngừng cấp điện, nước khi phát hiện các trường hợp vi phạm luật xây dựng, đặc biệt đối với các công trình có biểu hiện không chấp hành tháo dỡ.

Ngày 25/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Thành ủy TP nhận định công tác quản lý về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả.

Thành ủy TP giao các quận, huyện; phường, xã, thị trấn rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp đã xây dựng các công trình không phép, trái phép tại địa phương để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm.

Kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm này cần công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng trong quý III và quý IV năm 2019.

Tin liên quan