Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) báo lãi hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 78% so với thực hiện năm trước và vượt 50% kế hoạch. Sang quý I năm nay, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long công bố lợi nhuận hơn 7.000 tỷ, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận tăng đột biến thời gian gần đây là nhờ Hòa Phát liên tục gia tăng sản lượng thông qua việc đưa 4 lò cao của Khu liên hợp Dung Quất lần lượt vào vận hành, cùng với đó là giá thép thành phẩm tăng cao kỷ lục.
Lãi lớn từ ngành kinh doanh cốt lõi, Hòa Phát tiếp tục muốn lấn sâu vào lĩnh vực bất động sản sau một thời gian dài xem đây là ngành “tay trái”. Cụ thể, cuối năm 2020 Hòa Phát đã góp gần 2.000 tỉ thành lập CTCP Bất động sản Hòa Phát với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỉ đồng. Trong đó, HPG chiếm 99,9% vốn điều lệ, tương ứng vốn góp là 1.998 tỉ đồng.
Bất động sản Hòa Phát có trụ sở chính tại số 66 phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông Nguyễn Việt Thắng – Phó tổng giám đốc HPG được ủy quyền quản lý phần vốn góp của tập đoàn tại đây.
Chia sẻ tại buổi họp ĐHĐCĐ 2021, ông Long một lần nữa khẳng định: “Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản, không phải bất động sản khu công nghiệp mà trọng tâm là bất động sản nhà ở“.
Hòa Phát dự tính sẽ “đi bằng hai chân” trong mảng kinh doanh này. Một phần tập đoàn sẽ tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để xây dựng khu đô thị, tiến hành các bước từ đầu như đấu giá đất, xin quy hoạch, lập dự án…
Ngoài ra, một hướng khác là Hòa Phát đi M&A các dự án có sẵn để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ không M&A bằng mọi giá và “chỉ làm khi thấy lợi nhuận”.
Trong lĩnh vực BĐS, Hòa phát từng được biết đến là chủ đầu tư 3 dự án nhà nhà ở tại những vị trí khá đắc địa, gồm: Mandarin Garden, Mandarin Garden 2 và Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng. Trong đó, dự án Mandarin Garden 2 từng gây xôn xao dư luận vì bị cơ quan chức năng phát hiện loạt những vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Sau đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc đưa công trình vào sử dụng và đưa dân vào ở.
Thời gian gần đây, Hòa Phát liên tục săn quỹ đất lớn với những khu đô thị lớn lên đến hàng nghìn ha tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cụ thể, đầu năm 2021 Tập đoàn Hòa Phát đã được chấp thuận tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án dự kiến đầu tư tại 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều. Dự án thứ nhất là khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô 88,2ha (gồm khu nhà ở 58,2ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Dự án thứ hai là khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô 6,24ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Mới đây nhất, cũng tại Cần Thơ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ – ông Trần Việt Trường đã ký Công văn số 1897 chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Hoà Phát – mã HPG) tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án Khu đô thị thương mại – dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy với quy mô 452ha. Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 06 tháng, kể từ ngày 27/5/2021.
Tại Hưng Yên, tháng 12/2020 Tập đoàn Hòa Phát đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Phân khu A (Khu đô thị Bắc quốc lộ 5) tại Phố Nối, Hưng Yên với tổng mức đầu tư dự án gần 4.000 tỷ đồng.
Phân khu A thuộc Khu đô thị Bắc quốc lộ 5 rộng 300 ha, nằm sát mặt đường Quốc lộ 5 nối Hà Nội- Hưng Yên-Hải Phòng-Quảng Ninh, cách trung tâm Hà Nội 25 km. Đây là khu đô thị vệ tinh của Hà Nội với các hạng mục nhà liền kề, biệt thự, nhà cao tầng, trường học, nhà công cộng vừa nhằm giảm tải cho nhu cầu sinh sống của cư dân thủ đô.
Trước đó, cũng tại Hưng Yên, Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát cũng xin được nghiên cứu khảo sát và lập quy hoạch dự án KCN Bãi Sậy với quy mô khoảng 300 ha; KCN Tân Phúc với quy mô diện tích khoảng 300 ha và KĐT tại thị trấn Ân Thi với quy mô khoảng 150ha.
Với mảng bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đang nắm quỹ đất lớn tại Khu công nghiệp Phố Nối A với qui mô 600 ha và Khu công nghiệp Yên Mỹ II với quy mô 231 ha tại tỉnh Hưng Yên và Khu công nghiệp Hoà Mạc với quy mô 203 ha tại tỉnh Hà Nam.
Như vậy, nếu chỉ tính tại Hưng Yên và Cần Thơ quỹ đất dự án đô thị nhà ở của Hòa Phát đã lên cả nghìn ha. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, Hòa Phát không chỉ nhắm đến thị trường BĐS tại hai địa phương này mà còn muốn mở rộng sang hàng loạt những tỉnh thành khác với các khu đô thị nhà ở quy mô lớn.