Công nghệ giúp cuộc sống và công việc của chúng ta trở nên dễ dàng hơn vì nhờ nó mà chúng ta có thể làm việc từ xa, gửi tin nhắn nhanh chóng qua các ứng dụng như Slack hay Messenger.
Thế nhưng, kỹ năng quan trọng nhất mà bạn cần có để thành công trong công việc lại không hề liên quan tới công nghệ. Bởi việc quá phụ thuộc vào các ứng dụng công nghệ để kể nối với mọi người cuối cùng sẽ dẫn tới việc thiếu sự hiện diện, thiếu những cuộc gặp mặt, trao đổi trực tiếp.
Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hiện diện và trí thông minh xã hội là nền tảng cho tất cả các kỹ năng khác trong công việc. Đồng thời, sự hiện diện còn có thể thúc đẩy sự nghiệp thăng tiến nhanh hơn bất cứ yếu tố hay kỹ năng nào khác.
Sự hiện diện là chìa khóa
Khi bạn không trực tiếp có mặt trong một cuộc họp hay cuộc gặp mặt, những lời phản hồi của bạn có thể sẽ bị hiểu sai. Việc đưa ra những lời tán dương ý nghĩa hay sự hiểu biết sâu sắc với những người xung quanh cũng trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, mọi người cũng không thể thấy được bạn đã bình tĩnh ra sao trong những lúc khủng hoảng hay bạn đã giúp đỡ đồng nghiệp mới như thế nào.
Nhưng điều quan trọng nhất là, sự hiện diện cho phép bạn bắt đầu xây dựng “tư thái của nhà điều hành”. Mọi người cứ cho rằng một nhà quản lý sẽ có dáng vẻ uy nghi, oai vệ và ngồi trong một căn phòng nhưng sự thực không phải vậy đâu.
Khả năng hiểu được tâm tư tình cảm của những người xung quanh mới là thứ mang tới cho bạn năng lực và sau đó là quyền lực. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có được khả năng ấy, muốn đọc hiểu được cảm xúc của đồng nghiệp và người xung quanh thì việc gặp mặt trực tiếp là điều cần phải làm thường xuyên.
Dưới đây là một số bí quyết để bạn làm chủ được kỹ năng về sự hiện diện trong một cuộc sống mà gần như bị bao phủ bởi công nghệ như hiện nay.
1. Xuất hiện trong các buổi họp
Nếu bạn được mời tới một buổi họp thì hãy tới đó đúng giờ và xem xét việc mang theo một cuốn sổ để ghi chép. Việc đó cho thấy bạn “toàn tâm toàn ý” vào cuộc họp, không bị phân tâm bởi các email, tin nhắn trên điện thoại.
Trong trường hợp bạn phải tham gia một cuộc họp qua điện thoại thì hãy để các thiết bị khác của bạn xuống, đồng thời, tắt tất cả các chuông báo không cần thiết, sau đó tập trung chú ý và chủ động tham gia thảo luận.
2. Kiểm soát cảm xúc, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể
Việc bạn chủ động chú ý tới mọi cảm giác của mình trong khi trò chuyện cùng sếp hay đồng nghiệp sẽ tạo ra một sự tác động mạnh mẽ. Đó là sự hiện diện của bạn sẽ kéo mọi người xích gần lại và thực sự để tâm vào cuộc nói chuyện với bạn.
Vậy nên, hãy nhớ tạo ra những tương tác bằng mắt, bỏ qua những cuộc độc thoại nội tâm, lắng nghe thật chăm chú và sau đó thư giãn trong chốc lát. Khi bạn gửi đi những tín hiệu đúng, mọi người sẽ chú ý tới bạn và những gì bạn làm. Nhờ đó, cơ hội thăng tiến hoặc được chọn làm trưởng nhóm cho một dự án quan trọng của bạn sẽ cao hơn.
3. Tạo ra các cuộc trò chuyện ngắn
Việc bắt đầu những cuộc trò chuyện bình thường có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn trong việc xây dựng sự hiện diện, dù các cuộc nói chuyện ấy không hề liên quan tới công việc.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ từ công việc của mình với tư cách là một nhà tâm lý học lâm sàng và huấn luyện điều hành doanh nghiệp. Jason là một người làm trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa và đã nhận nhiều phản hồi tiêu cực trong quá trình đánh giá về hiệu suất công việc của mình.
Mọi người trên sàn giao dịch đều cho rằng anh ta là một người chỉ để tâm chú ý tới bản thân mình, tùy tiện và tự kiêu. Những điều ấy khiến anh ta sững sờ.
Thế nhưng, khi tìm hiểu về sự mất kết nối giữa việc anh ta tự đánh giá bản thân và cách người khác nhìn nhận anh ta, Jason phát hiện ra quả thực anh ta luôn thấy rất xấu hổ. Anh ta thấy không thoải mái với việc bắt đầu các cuộc trò chuyện. Hiệu suất làm việc của Jason rất tốt nhưng anh ta lại đánh giá thấp giá trị của những cuộc đối thoại ngắn.
Những cuộc trò chuyện ngắn không liên quan tới công việc có ảnh hưởng rất lớn tới việc xây dựng sự hiện diện và hình ảnh của bạn trong mắt người xung quanh.
Tôi đã đi bộ cùng Jason khi anh ta rời góc làm việc của mình để đi lấy một tách cà phê, và trong lúc ấy, tôi thấy Jason luôn nhìn vào màn hình điện thoại. Anh ta không hề có sự tương tác bằng mắt và hoàn toàn bỏ qua nỗ lực thu hút sự chú ý của anh ta từ những người xung quanh. Các đồng nghiệp của anh ta gọi việc làm ngơ ấy là một sự khinh thường cá nhân.
Vậy là, Jason quyết định thực hiện một vài sự thay đổi. Những lần đi tới phòng tắm trở thành cơ hội để nói chuyện, để thực sự quan sát, trò chuyên và trực tiếp đáp lời những người khác. Kết hợp với một lời nhắc nhở tạo ra các cuộc trò chuyện nhỏ và tìm hiểu xem các đồng nghiệp quan tâm tới điều gì, khướu hài hước bẩm sinh của Jason đã được mọi người “khai phá” và tỏa sáng.
Hiện giờ, khi hỏi về anh ấy, mọi người trên sàn giao dịch đều mô tả Jason như một người đồng minh đáng tin cậy.
Nếu bạn làm việc từ xa thì sao?
Làm việc ở nhà mang tới cho bạn nhiều sự thuận tiện nhưng đồng thời cũng có nhiều mặt trái.
“Các công ty hiếm khi thăng chức cho một người lên các vị trí lãnh đạo mà không thông qua một quá trình quan sát và đánh giá liên tục. Đây là một việc quen thuộc và đáng tin cậy,” Jack Welch – cựu CEO của General Electric viết trong một bài đăng trên blog LinkedIn năm 2016.
Ông cũng cho biết thêm, “Chúng tôi không nói rằng người được thăng chức là những người xuất sắc trong mỗi phút thử thách cam go ở công ty, nhưng ít nhất, họ phải có mặt, phải thực sự hiện diện ở đó.
Sự hiện diện của họ cho thấy họ coi công việc là ưu tiên hàng đầu và thực sự tận tâm với công ty, bên cạnh đó, họ muốn nắm quyền lãnh đạo và nhất định sẽ làm được”.
Một nghiên cứu kéo dài 2 năm, thu thập dữ liệu từ 5.600 nhân viên – những người đã làm việc với các đồng nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới – của Google cũng ủng hộ triết lý của Welch về sự hiện diện.
Các nhân viên tham gia khảo sát trong nghiên cứu này cho biết, họ cảm thấy khó khăn trong việc xây dựng những sự kết nối hay mối quan hệ ý nghĩa và giành được sự chú ý.
Veronicca Filrane, quản lý của People Innovation Lab của Google và cũng là nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu trên nói thêm, đối với những nhân viên làm việc từ xa, “bản thân công nghệ cũng có thể bị giới hạn.
Video gây rối mắt hay lỗi về âm thanh khiến các cuộc nói chuyện cần sự ứng biến để mọi người trong nhóm hiểu và tin tưởng nhau hơn dường như trở nên khó khăn và rắc rối hơn”.
Cô cũng đề nghị rằng, đối với các cuộc họp, các nhà quản lý nên lưu tâm tới vấn đề liệu việc sử dụng công nghệ hay gặp trực tiếp các thành viên trong nhóm sẽ thích hợp hơn.
Bên cạnh đó, cô cũng thừa nhận tầm quan trọng của các cuộc nói chuyện ngắn: “Thay vì ngay lập tức tập trung vào công việc, hãy dành ra vài phút đầu cuộc họp để có những cuộc trò chuyện ngắn với đồng nghiệp, hỏi những câu như “Bạn đã làm gì vào cuối tuần vừa rồi?”. Đó là một cách đơn gian để thiết lập những sự kết nối từ xa, cũng như xây dựng và phát triển các mối quan hệ”.
Những hành động nhỏ kèm theo sự quan tâm cũng có thể tạo nên một sự khác biệt rất lớn. Nếu bạn đang gửi email, gọi điện hay nhắn tin với đồng nghiệp, hãy cho họ biết rằng bạn đã “thấy” họ bằng những lời chào buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối tùy thuộc vào múi giờ nơi họ đang ở.
Nhìn chung, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và cũng không thể phủ nhận được những lợi ích mà chúng mang lại. Tuy nhiên, thành công trong công việc lại đòi hỏi một cách thức thiết thực và chuyên nghiệp để xây dựng các mối quan hệ chất lượng. Và cách đó là hãy kết nối trực tiếp với nhau, đầu tiên là mọi người xung quanh và sau đó là đồng nghiệp và người cộng tác.
*Đây là bài viết của Melanie Katzman – một nhà tâm lý học doanh nghiệp và cũng là cố vấn cho một số công ty lớn nhất thế giới, cơ quan chính phủ và phi lợi nhuận. Đồng thời, cô cũng là tác giả cuốn sách “Connect First: 52 Simple Ways to Ignite Success, Meaning and Joy at Work”.