Xót xa Mã Pì Lèng

Đơn vị quản lý đã thiếu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong khu di tích trên đèo Mã Pì Lèng.

Xót xa Mã Pì Lèng 1

Nhà hàng, nhà nghỉ có tên gọi Mã Pì Lèng Panorama. Ảnh: Dân Trí

Hình ảnh và thông tin về tòa nhà 7 tầng có tên Mã Pì Lèng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) sau khi được báo chí phản ánh đã  lập tức gây dậy sóng dư luận, trong đó nhiều chuyên gia văn hóa cũng tỏ vẻ bức xúc trước sự xâm phạm di sản này.

Danh thắng Mã Pì Lèng luôn để lại ấn tượng rất đặc biệt cho những người đã đến cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là cảm giác rợn ngợp trước cảnh hùng vĩ của những ngọn núi cao, của hẻm vực Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á và vẻ đẹp uốn lượn mềm mại như dải lụa của dòng sông mang màu xanh ngọc – sông Nho Quế.

Vì thế, đèo Mã Pì Lèng không chỉ là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia mà còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho Hà Giang nói riêng và các địa phương có di sản đó là “làm sao để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn cảnh quan, di sản?” Rất tiếc, người ta đã chỉ nhìn thấy tiền mà gạt si sản một bên.

Thực tế, suốt dọc tuyến đèo dài gần 20km, bỗng dưng công trình nhà nghỉ, nhà hàng 7 tầng Panorama “một mình một cõi” trơ trọi mọc lên càng lộ ra sự quá lố, không thể hòa nhập được vào thiên nhiên xung quanh. Ai dám nói công trình trái phép này không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của Mã Pì Lèng – một trong “tứ đại đỉnh đèo”?

Nhân đây cũng xin nói thêm một thực tế là kể từ khi tỉnh Hà Giang quyết xây thủy điện bậc thang trên sông Nho Quế, đã có quá nhiều cảnh báo khi việc tích nước hồ thủy điện sẽ làm mực nước sông dâng lên 25m, phá vỡ cảnh quan hiếm có của đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế. Mà dâng đâu không dâng, đúng đoạn qua hai xã Xín Cái, Giàng Chu Phìn, đúng đoạn hẻm Tu Sản. Những cảnh báo quả nhiên không sai. Từ sau khi thủy điện tích nước, sông Nho Quế “thăm thẳm khói sương, mảnh như một sợi chỉ” trở thành một cái lạch nước. Bờ dốc hùng vĩ chợt hóa tầm thường.

Từ đó, chiếu theo Luật Di sản, nghiêm cấm tất cả các hoạt động chiếm đoạt, làm sai lệch di sản, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích danh lam thắng cảnh. Khu vực đèo Mã Pì Lèng không cho phép xây dựng mà chủ yếu khai thác cảnh quan, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái.

Nên, vấn đề khiến dư luận quan tâm là dự án Mã Pì Lèng Panorama xâm phạm danh thắng quốc gia đèo Mã Pì Lèng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ông Chủ tịch huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường khẳng định rằng công trình nằm ở phần đệm chữ không thuộc vùng lõi cấm xây dựng.

Đại diện chính quyền huyện Mèo Vạc còn nói rằng, huyện đã có kế hoạch điều chuyển quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất để “cấp phép cho dự án theo đúng quy định”. Huyện từ lâu đã muốn đầu tư điểm dừng chân này nhưng không có kinh phí nên khi tư nhân muốn làm, chúng tôi rất chào đón, không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ.

Một trong những đặc điểm chung của những vụ xâm phạm di tích – di sản đó là được xây dựng với quy mô lớn, thời gian xây dựng kéo dài và không có giấy phép xây dựng nhưng lại không hề bị “tuýt còi” ngay từ đầu. Chỉ đến khi công trình sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào hoạt động và bị báo chí lẫn người dân phản ánh lúc đó chính quyền địa phương mới biết.

Thành thử, nói như ông Nguyễn Cao Cường thì công trình sai phạm này phía chính quyền đã biết và chỉ chờ thủ tục để hợp thức hóa cho nó tồn tại. Nhưng đó chỉ là quan điểm của ông và một số vị thuộc “nhóm lợi ích” của mình. Còn với dư luận và các chuyên gia, nó không có lý do để tồn tại, và việc “lờ” đi sai phạm khiến dư luận dậy sóng thì các vị phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý.

“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang và UBND tỉnh Hà Giang là những đơn vị được giao trực tiếp quản lý di tích danh lam thắng cảnh này. Để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong khu di tích như vậy chứng tỏ đơn vị quản lý đã thiếu trách nhiệm”. – ông Vương Duy Bảo (Nguyên Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỏ ra bức xúc.

Có thể nói, những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến di tích danh lam thắng cảnh quốc gia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và cũng phải xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đồng thời, không thế chấp nhận phương án hợp pháp hóa để cho nhà hàng Panorama tồn tại. Công trình xâm phạm di tích danh lam thắng cảnh phải bị phá bỏ, hoàn trả lại nguyên trạng.

Vẫn còn kịp để trả lại sự hùng vĩ, nên thơ của một trong “tứ đại đỉnh đèo”. Đừng để sau này khi nhắc tới cái tên “Mã Pì Lèng”, chỉ còn đọng lại trong mỗi người sự xót xa!

Sông Hàn

Tin liên quan