Cao tốc TP HCM – Mộc Bài là dự án quan trọng được TP HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn. |
Để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND vào tháng 3, UBND TP HCM đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cần hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài theo 2 phương án. Trong đó, thành phố ưu tiên phương án giá trị xây lắp được tính bằng tổng giá trị phần xây lắp của dự án với giá trị phần xây lắp nút giao Vành đai 3, nút giao Tỉnh lộ 8, thực hiện đầu tư theo phương thức BOT, toàn bộ công tác bồi thường sử dụng ngân sách.
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài có chiều dài khoảng 54 km, điểm đầu tại huyện Hóc Môn, TP HCM và kết thúc tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu được chia thành hai phần: TP HCM – Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng – Mộc Bài (dài 20,5 km). Tổng mức đầu tư là gần 10.700 tỷ đồng.
TP HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng UBND tỉnh Tây Ninh. TP HCM và Tây Ninh cam kết sẽ sử dụng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng trên địa phận mình quản lý, nhanh chóng giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Hai tỉnh cam kết sẽ đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm đến năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường này. Theo UBND Tây Ninh, số tiền đền bù gần 1.000 tỷ đồng.
Dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài được Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện từ tháng 10/2019. Theo kế hoạch đã được 2 tỉnh thông qua, các mốc thời gian cụ thể xây dựng dự án gồm: cuối năm 2019, lãnh đạo TP CM và Tây Ninh tham mưu HĐND; Tháng 9/2020 phê duyệt dự án tiền khả thi; năm 2021 bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đến tháng 3/2021, dự án sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Giai đoạn 2011 – 2025, 2 tỉnh tập trung triển khai dự án và khánh thành, đưa vào hoạt động năm 2025.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công vào loạt dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập danh sách những dự án đủ điều kiện, không đủ điều kiện trình HĐND để UBND TP báo cáo tại cuộc họp Tổ công tác về đầu tư.
Các dự án gồm Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); Xây dựng 2 cầu trên tuyến đường N2 và đường N4 để kết nối giao thông với lô đất ký hiệu 7-1 thuộc khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Xây dựng cầu Rạch Dơi; Xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn 1); đường Vành đai 2 – đoạn 1 và đoạn 2; Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; Xây dựng cầu Bình Triệu 2; Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa…
Sở GTVT cũng sẽ làm việc với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng để xem xét các dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa; Xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn 1) và xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM.