Cao tốc TP HCM – Trung Lương được đầu tư hơn 9.880 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ năm 2010, đến tháng 1.2019 đã tạm dừng thu phí. Lượng xe trên quốc lộ 1 sau đó đã đổ dồn về cao tốc TP.HCM – Trung Lương khiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng.
Thống kê của Cục Quản lý Đường bộ IV cho biết, lượng ô tô lưu thông trên cao tốc TP HCM – Trung Lương tăng 31% so với trước thời điểm đang thu phí, có lúc cao điểm lên trên 51.000 xe lưu thông mỗi ngày đêm.
Hiện tại, phần đường dẫn ở 2 đầu cao tốc phía chợ Đệm (TP HCM) và Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang) đã xuống cấp. Trên cao tốc, mặt đường đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún vệt bánh xe. Số vụ tai nạn, nhất là tại vị trí làn dừng khẩn cấp tăng gấp 1,5 lần so với trước, trong đó có vụ gây chết người.
Vì vậy, Cục Quản lý Đường bộ IV kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung kinh phí năm 2020 là 107 tỷ đồng để sửa chữa khẩn cấp mặt đường cao tốc Trung Lương, đường dẫn và hệ thống thoát nước nhằm ngăn chặn xuống cấp.
Về lâu dài, cần phân kỳ đầu tư, sửa chữa mặt đường cho tuyến cao tốc này cho các năm 2021 là 122 tỷ đồng, năm 2022 là 140 tỷ đồng để cải thiện tình trạng khai thác.
Đồng thời, Cục cũng kiến nghị sớm có ý kiến chỉ đạo về sửa chữa hệ thống quản lý giao thông thông minh (IST) trên tuyến. Hệ thống này được đầu tư 38,5 triệu đô la nhưng đến nay phần mềm đang bị lỗi, nhiều camera trên tuyến bị hư, không chuyển tải được dữ liệu về trung tâm.