Kết nối với đường sắt xuyên Á
Tới nay, Bộ GTVT đã làm việc với một số địa phương dự kiến tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua để thống nhất hướng tuyến; tình hình sử dụng đất của tỉnh theo các phương án quy hoạch; tính kết nối với giao thông trên địa bàn tỉnh; phương án bố trí vị trí đặt nhà ga; tổ chức giao thông trong khu vực…
Với sự hỗ trợ ODA của Trung Quốc, Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc được lựa chọn là Tư vấn lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và đoạn kết nối từ Lào Cai với đường sắt của Trung Quốc qua Hà Khẩu. Tư vấn đã nghiên cứu hai phương án: Phương án cải tạo đường sắt hiện có thành đường khổ lồng (kết hợp đường ray cũ khổ 1.000mm, và khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm); phương án thứ hai giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ và xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn. Qua phân tích, Tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án hai.
Theo đề xuất của Tư vấn, tuyến đường bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 392 km (chỉ đi chung tuyến hiện có khoảng 12km, còn lại làm mới). Tuyến kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc qua Hà Khẩu (Lào Cai). Tuyến được thiết kế khổ ray 1.435 mm, đường đơn, kết hợp tàu khách và hàng, tốc độ chạy tàu 160km/h, năng lực vận tải 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai mới sẽ nối với Trung Quốc được xây dựng với kinh phí khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong ảnh là tuyến đường sắt hiện tại. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Dự án khi hoàn thành được báo cáo sẽ mang lại lợi ích kinh tế khu vực Tây Nam (Trung Quốc) và khu vực Tây Bắc (Việt Nam). Dự án được phía Trung Quốc đánh giá là phần quan trọng trong tuyến đường sắt xuyên Á. Sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường sắt thông suốt khổ ray 1.435 mm, với lộ trình: Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh – Thành Đô – Lan Châu – Horgos (đi châu Âu).
Theo Bộ GTVT, nghiên cứu tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là bước thực hiện chiến lược quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương tuyến đi qua, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thông, giao thương quốc tế, trong đó kết nối hoạt động thuận lợi với Trung Quốc và kết nối với châu Âu.
Hiện đường sắt Việt Nam chủ yếu khổ ray 1.000 mm, trong khi đường sắt thế giới đều có khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm. Việt Nam chỉ duy nhất có 2 đoạn khổ ray 1.435mm, gồm Gia Lâm (Hà Nội) – Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Yên Viên (Hà Nội) – Hạ Long (Quảng Ninh). Tuyến Gia Lâm – Đồng Đăng mỗi ngày có tàu khách liên vận Hà Nội – Nam Ninh, mỗi tuần 2 chuyến tàu hàng hoạt động và cũng có thể chạy xuyên Trung Quốc tới châu Âu.
Chi phí đầu tư cao vì làm đường mới?
Theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí đầu tư dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, do tư vấn đề xuất phần lớn tuyến đường là làm mới, thay vì nâng cấp, mở rộng các tuyến đường sắt hiện hữu thành khổ lồng.
Khi được hỏi về dự án trên, một số chuyên gia đường sắt cho biết, dự án vẫn chưa có thông tin rõ ràng nên khó đánh giá. Theo một nguyên lãnh đạo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR), trước đây đơn vị đã xây dựng quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Điểm khác biệt là quy hoạch trước đây trên cơ sở cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu lên khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm, đảm bảo hoạt động thông suốt của tàu liên vận quốc tế.
Phương án này giúp giảm chi phí đầu tư. Còn phương án tư vấn trình Bộ GTVT chủ yếu xây dựng các đoạn tuyến mới độc lập chỉ khai thác tàu khổ ray 1.435 mm, bỏ qua các tuyến hiện hữu. Theo vị này, việc nâng cấp đường sắt của Việt Nam là cần thiết, cấp bách, vì thế giới giờ đã khai thác đường sắt khổ ray 1.435mm, còn Việt Nam đa số vẫn khổ ray 1.000 mm.
Góp ý cho Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Phó Tổng Giám đốc VNR Trần Thiện Cảnh cho rằng, báo cáo của Tư vấn mới đề xuất trên cơ sở tuyến đường ngắn nhất, thay vì tận dụng các tuyến đường sắt hiện hữu. Dẫn tới phải làm nhiều đoạn mới, chi phí cao.
Ông Cảnh góp ý, tuyến đường Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nên bổ sung phương án tận dụng đường sắt hiện hữu, đặc biệt tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân khổ ray 1.435 mm đang đầu tư dở dang, để tránh lãng phí. Theo đó, tuyến đường từ Lào Cai về tới Yên Viên sẽ đi theo hướng Lim (Bắc Ninh) và đi vào dự án Yên Viên – Cái Lân, về đến Uông Bí (Quảng Ninh) sẽ xây dựng tuyến mới rẽ về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Như vậy, sẽ giảm chi phí xây dựng khoảng 70km. Vừa tận dụng được tuyến đang làm dở, vừa kích thích phát triển kinh tế – xã hội vùng Quảng Ninh – Hải Phòng.
Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được đầu tư khổ ray 1.435 mm, nhưng phải dừng triển khai từ năm 2011 tới nay, dù một số đoạn đã xây dựng xong. Đoạn dở dang đã cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công phần nền đường, các công trình trên tuyến. Dọc tuyến, vật liệu nhập về vẫn chồng chất, phủ bạt nhiều năm qua. Do đó, các chuyên gia đồng tình, nếu làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nên tận dụng đoạn dự án đã đầu tư dở dang, nâng cấp đường hiện hữu, thay vì mở tuyến mới để giảm chi phí, tránh lãng phí các nguồn lực đã có.
Với tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị tư vấn của Trung Quốc đề xuất: Tuyến đường này sẽ kết nối với đường sắt từ Trung Quốc qua Hà Khẩu, từ đây kết nối với ga Lào Cai hiện hữu, vượt sông Hồng, chạy dọc theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi theo hướng Nam sông Hồng về ga Đông Anh. Rời khỏi ga Đông Anh, tuyến đường vượt đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, về Yên Viên, vượt sông Đuống đến huyện Gia Lâm (Hà Nội), qua khu vực Hưng Yên, chạy dọc theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua địa bàn tỉnh Hải Dương. Về khu vực Hải Phòng, tuyến đường tiếp tục chạy dọc theo đường cao tốc (không vào khu vực ga Hải Phòng hiện hữu), qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện. |