Đến năm 29 tuổi, chúng ta thường thấy, mô tả về một cá nhân phải được tô điểm bằng những con số dài dòng của tiền lương, bằng những vị trí đáng ngưỡng mộ mà người đó đã đạt đến và bằng nhiều thành tích đẹp đẽ cả về vật chất lẫn những mối quan hệ khác. Tuy vậy, không ít người ở thời điểm đó, dù đã nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ, dấn thân vào không ít thử thách mà tiền lương vẫn chỉ lẹt đẹt vài triệu bạc, địa vị cũng chẳng hơn ai. Từ đó mới thấy được một quan niệm sai lầm luôn hiện hữu, đó là nỗ lực là chìa khóa của thành công. Thực ra, bạn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Chỉ chăm chỉ làm việc thôi là chưa đủ
Có một nhân viên rất siêng năng và tham vọng. Anh làm việc chăm chỉ hằng ngày, luôn đi sớm về muộn, hoàn thành tốt mọi công việc được giao để hướng tới chức vụ giám đốc kinh doanh. Sau hai làm việc cật lực, vị trí này cũng được bổ nhiệm, nhưng không phải dành cho anh mà là một nhân viên trẻ, mới chỉ vào làm cho công ty được nửa năm.
Anh ta cảm thấy đau khổ, bất mãn và thậm chí ghen tức với anh chàng mới vào làm kia. Và rồi, anh đến gặp giám đốc để yêu cầu được giải thích. Ông chủ này cũng hiểu rằng anh làm việc rất chăm chỉ, thậm chí còn hơn cả anh nhân viên mới, vì thế anh ấy cũng rất xứng đáng được thăng tiến. Nhưng vẫn còn điều gì đó thiếu thiếu ở anh nhân viên này. Và để giúp anh ấy, ông chủ giao cho anh một việc: “Cậu có thể ra chợ và tìm giúp tôi chỗ nào bán dưa hấu được không?
Một lúc sau, anh nhân viên quay lại và trả lời: “Thưa sếp, có một người bán dưa hấu ở ngoài chợ”.
“Giá dưa thế nào?”, ông chủ hỏi.
Anh ấy quay lại chợ hỏi người bán dưa và trả lời: “Giá dưa hôm nay là 3.000 đồng/ký”.
“Dưa Việt Nam hay dưa Trung Quốc?”, ông hỏi tiếp.
“Dạ, sếp để em ra chợ hỏi lại”, anh nhân viên đáp.
Anh lại chạy ra chợ và lúc về, trả lời: “Dạ, là dưa Việt Nam ạ”.
“Thế dưa Trung Quốc giá bao nhiêu?”, ông chủ lại hỏi.
“Em sẽ đi hỏi lại”, anh đáp và tiếp tục chạy đi hỏi.
Lúc về, anh báo với ông chủ: “Dưa Trung Quốc giá là 2.500 đồng/ký”.
“Cảm ơn cậu, giờ cậu hãy ngồi đây và quan sát nhé”, ông chủ đáp.
Sau đó, ông gọi người nhân viên mới được thăng chức và đề nghị làm việc tương tự. Anh này cũng vui vẻ nhận lời và bắt đầu đi chợ.
Lúc về, anh báo cáo với ông chủ: “Thưa sếp, giá dưa Việt Nam hôm nay là 3.000 đồng/ký. Dưa Trung Quốc thì rẻ hơn, chỉ 2.500 đồng. Nếu mua sỉ thì được giảm 15%. Giá hiện đang lên vì đang mùa nước lớn. Theo như kinh nghiệm của dân buôn thì chỉ một tuần nữa khi nước rút, giá dưa sẽ giảm. Mỗi tuần chỉ nhập hàng hai buổi sáng thứ hai và thứ sáu. Hôm nay là thứ 5 nên hàng hơi khan, nếu sếp định mua hàng trong chiều nay thì chắc chắn sẽ bị ép giá mà hàng lại không được tươi. Nếu không gấp quá thì sếp chờ đợt hàng sáng thứ sáu – ngày mai, sẽ mua được giá tốt mà cũng dễ chọn hàng. Em đã in ra một bảng thông tin cụ thể để trình sếp đọc, mời sếp xem”.
Anh nhân viên thứ nhất cảm thấy như chết lặng và bất ngờ bởi sự thông minh của người mới vào làm kia. Anh ta nhận ra sự khác biệt giữa bản thân và người được thăng chức. Anh chán nản và nói: “Thưa sếp, giờ thì em đã hiểu ý anh rồi”.
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình giống người nhân viên thứ nhất hay thứ hai? Khác biệt quan trọng nhất trong câu chuyện này là cách bạn làm việc chứ không phải bạn làm việc gì. Không phải là hoàn thành công việc, mà là đi xa hơn công việc đó thì mới mang đến cho chúng ta phần thưởng. Cũng không đơn thuần là làm việc chăm chỉ mà làm việc thông minh thì mới giúp nhân viên đạt được sự thăng tiến. Và cần phải nhìn vào bản thân chứ không phải người khác thì mới mang đến cho chúng ta kinh nghiệm, giá trị.
Nếu đến 29 tuổi mà vẫn còn lẹt đẹt ở trị nhân viên, đồng lương chỉ ở mức đủ sống thì bạn có lẽ cần xem lại tư duy, mục đích và thái độ trong công việc của mình? Liệu tư duy đó đã đủ thông minh, sắc bén chưa? Liệu mục đích đó là tạo ra giá trị và hết lòng cho tổ chức hay chỉ đơn thuần là tiền bạc, địa vị và quyền lực? Và bạn có luôn sẵn sàng bắt tay cùng người khác để hoàn thành công việc, và học hỏi thêm kinh nghiệm hay chỉ luôn săm soi, phê phán người khác? Hãy tìm ra những câu trả lời và thay đổi bản thân trước khi quá muộn.
Khác biệt nằm ở tư duy
Tuổi 29 chắc chắn là một trong những thời điểm khó khăn nhất của đời người. Khi mà bạn nhìn những người xung quanh, người thì đã thăng tiến vượt bậc, nắm giữ chức từ quản lý đến trưởng phòng; người thì đã khởi nghiệp và tạo ra đế chế cho riêng mình.
Còn bản thân thì vẫn chật vật với đồng lương vài triệu bạc, ở phòng trọ chật chội, chi tiêu chắt chiu từng đồng; nhà cửa, tài sản tích lũy thì vẫn xa vời; những mối quan hệ thì vẫn cứ lận đận, vì chưa có khả năng ổn định bản thân thì cũng chưa dám đảm bảo cho một gia đình hạnh phúc. Và dù đã cật lực làm việc, hối hả với những mối quan hệ, thì thành công vẫn là một thứ gì đó quá xa xỉ với bạn. Nguyên nhân chính có lẽ là do quan niệm về thành công của một số người vẫn còn sai lầm.
Quan niệm “cần cù bù thông minh” có lẽ không phải lúc nào cũng đúng. Cần cù thôi là chưa đủ, mà cần có cả tư duy tốt. Người nghèo chỉ luôn chăm lo kiếm tiền và tiết kiệm chứ rất ít khi có tư duy phát triển tài chính. Thay vì giữ tiền trong nhà, tại sao không đầu tư, không chia thu nhập ra nhiều khoản khác nhau và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý? Người thất bại cũng thường cắm mặt vào công việc hiện tại chứ không tìm kiếm cho mình những cơ hội mới để rồi sau này, tuổi 30 dần đến thì lại nuối tiếc. Bởi vì, cơ hội là thứ mà ai cũng có nhưng nắm bắt nó thì lại là việc chẳng mấy ai làm. Nếu sợ thất bại, sợ phá sản, sợ mất việc, sợ bị nghi ngờ và sợ cả chính mình nữa thì đồng nghĩa với việc tuổi 29 của bạn chỉ là một con số không tròn trĩnh, không thành tích và không có lấy một viễn cảnh tươi đẹp nào cả.
Nói thì dễ, làm thì khó
Quay ngược lại thời gian, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều tự vẽ ra cho mình những ước mơ, những kế hoạch và lộ trình cho một tương lai của thành công, giàu có, hạnh phúc. Nhưng đến năm 29 tuổi, cái tuổi mà đàn ông thì cũng không còn trẻ, họ phải có đủ điều kiện để gánh vác quá nhiều thứ: sự nghiệp, những mối quan hệ, gia đình, người yêu và cả tương lai đầy khó khăn phía trước. Phụ nữ trong thời hiện đại thì cũng cần phải tự chủ tài chính và có sự nghiệp ổn định.
Đến lúc này, người ta mới nhận ra những gì mình đang có là kết quả của hàng loạt việc làm trong quá khứ, có thể là đó là những quyết định sai lầm, những lần buông thả bản thân, những cơ hội bị bỏ lỡ…
Có nhiều người rất giỏi trong việc tuyên bố với bản thân, đề ra mục tiêu và kế hoạch, nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện những việc làm to tát đó. Tôi vẫn thường thấy trên mạng xã hội có nhiều người trẻ thường xuyên đăng tải những câu trích dẫn truyền cảm hứng, những kế hoạch hoàn hảo, những trải nghiệm thú vị.
Nhưng thực ra, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài của sự lười biếng, ảo tưởng, tự mãn, khoe khoang. Thử nghĩ lại, phải chăng bạn cũng đã từng tự đặt mục tiêu dậy sớm để tập thể dục nhưng lại không thể kéo dài thói quen tốt đẹp đó được hơn một tuần. Cũng giống như việc người ta mong muốn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan nhưng lại chẳng bao giờ bắt tay vào thực hiện ước mơ đó.
Sự khác biệt giữa tuổi 29 thành công và thất bại là một quá trình dài bao gồm nỗ lực, kiên trì, chịu khó và chiến thắng bản thân. Nói thì dễ, làm thì khó – quy luật bao đời nay là vậy. Người thành đạt dám nói và dám làm, dám bắt tay vào kế hoạch và dám thất bại. Còn người thất bại thì chỉ giỏi vẽ vời, mơ mộng hão huyền và chẳng bao giờ làm việc một cách nghiêm túc. Ngưỡng cửa của tuổi 30 luôn luôn khắc nghiệt, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn với bất kỳ ai dám nói dám làm.
29 tuổi, thời khắc khép lại những năm tháng vất vả của tuổi trẻ để bắt đầu những năm 30 của những thử thách, áp lực nặng nề hơn. Lúc đó, hầu như chúng ta đều lo lắng cho tương lai phía trước. Điều đó là dễ hiểu vì cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng cả, còn thời gian thì lại luôn làm nó thêm khắc nghiệt và mỏi mệt. Biết nỗ lực một cách thông minh, phát triển bản thân cùng với không ngừng thay đổi tư duy, dám nói dám làm, tuổi 29 sẽ dễ dàng hơn với bạn.